Bánh gối là một món ăn độc đáo đến từ thủ đô, nhưng đã trở nên rất phổ biến trên toàn quốc. Chiếc bánh gối giòn rụm, hình dáng như một vòng trăng mờ, còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như bánh quai vạc, bánh xếp, bánh thừng. Cách làm bánh gối không hề phức tạp, chỉ cần một chút khéo léo, bạn đã có thể thực hiện ngay. Hãy tham khảo hướng dẫn dưới đây để tạo ra những chiếc bánh gối thơm ngon của CET.
Bánh gối ban đầu là một món đặc sản từ Hà Nội, nhưng đã trở nên phổ biến ở miền Nam.
Nguyên Liệu Làm Bánh Gối
Phần vỏ bánh
- Bột mỳ đa dụng: 500g
- Trứng gà: 2 quả
- Bơ nhạt: 50g
- Men nở: 15g
- Sữa tươi không đường: 220ml
- Muối: 1/2 thìa cafe
Phần nhân bánh
- Mộc nhĩ: 4 cái
- Thịt heo xay: 200g
- Trứng cút: 10 quả
- Củ đậu (củ sắn): ½ củ
- Cà rốt: ½ củ
- Hành tây: ½ củ
- Miến dong: 25g
- Hành tím: 4 củ
- Gia vị: hạt nêm, tiêu, bột ngọt…
Phần nước chấm
- Nước mắm ngon: 3 thìa
- Đường: 1 thìa
- Nước sôi: 2 thìa
- Bột ngọt: ½ thìa cafe
- Nước cốt chanh: 1 thìa
- Tỏi, ớt băm
- Cà rốt, su hào thái sợi
Cách Làm Bánh Gối Nhân Thịt
Bước 1: Làm vỏ bánh gối
Trước hết, hãy làm tan chảy bơ bằng lò vi sóng. Cho sữa tươi, men nở, bơ, muối và trứng gà vào một tô lớn, khuấy đều.
Tiếp theo, cho từ từ bột mì vào hỗn hợp trên và nhồi bột thật đều để các nguyên liệu hòa quyện thành một khối bột mịn. Sau đó, để bột nghỉ khoảng 30 phút trong tô, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm.
Bước 2: Chuẩn bị nhân bánh
Ngâm mộc nhĩ trong nước ấm, khi nở đều, bỏ gốc rồi rửa sạch và thái nhỏ. Ngâm miến cũng tương tự, sau đó cắt thành đoạn nhỏ khoảng 1cm.
Lột vỏ củ sắn, rửa sạch và cắt thành sợi nhỏ, vắt bớt nước. Gọt vỏ hành tây, rửa sạch và cắt hạt lựu.
Ướp thịt heo với một chút hạt nêm, tiêu, bột ngọt và hành tím băm. Luộc chín trứng cút, bóc vỏ và cắt đôi.
Đặt chảo lên bếp, cho ít dầu ăn vào, khi dầu nóng thì phi thơm hành tím và hành tây, sau đó cho thịt heo xay vào xào chín. Khi thịt săn lại, cho củ sắn vào xào đều, nêm gia vị cho vừa miệng, tắt bếp và để nguội.
Bước 3: Tạo hình vỏ bánh
Rắc bột khô lên mặt bàn, sau đó đặt phần bột đã nghỉ lên trên và nhồi bột một lần nữa. Cán mỏng bột ra và để tạo hình tròn, bạn có thể sử dụng khuôn hoặc chén nhỏ ăn cơm để ấn nhẹ lên bột.
Bước 4: Tạo hình bánh
Tách một lòng đỏ trứng gà và khuấy đều để phết lên hai mép vỏ bánh, tránh bánh bị bung khi chiên. Cho nhân bánh vào giữa vỏ bánh gối, gấp mép lại như hình bánh quai vạc sau đó gấp xếp li đường mép bánh cho đến khi hai lớp vỏ cuộn chặt vào nhau. Tiếp tục cho nhân và vỏ bánh cho đến khi không còn.
Bước 5: Pha nước chấm
Hòa tan nước mắm, nước sôi, đường, bột ngọt và nước cốt chanh. Sau đó, cho tỏi, ớt, cà rốt, su hào thái sợi vào để hoàn thành phần nước chấm cho bánh gối.
Bước 6: Chiên bánh
Sử dụng chảo sâu để chiên bánh, nhằm đảm bảo bánh chín đều màu hơn. Sử dụng đủ dầu ăn để bánh ngập dầu. Chờ đến khi dầu ăn sủi bọt lăn tăn, sau đó cho bánh vào chiên với lửa vừa. Trong quá trình chiên, hãy nhớ lật bánh đều để cả hai mặt được chín đều. Khi bánh vàng rụm, vớt bánh ra khay để ráo dầu.
Bước 7: Trình bày và thưởng thức
Cho bánh gối ra đĩa, dọn kèm nước chấm và một ít rau sống để làm mát món ăn. Bánh thực sự hoàn hảo khi vỏ bánh màu vàng giòn và các nguyên liệu bên trong hoà quyện với nhau, tạo nên hương vị đậm đà.
Cách Làm Bánh Gối Chay
Quy trình làm bánh gối chay tương tự như hướng dẫn trên, chỉ có một số thay đổi nhỏ về nguyên liệu nhân bánh và sử dụng gia vị chay như hạt nêm chay, nước mắm chay. Nhân bánh chay có thể bao gồm: củ sắn (củ đậu), bắp (ngô), nấm mèo (mộc nhĩ), nấm đông cô, nấm đùi gà, khoai môn, khoai lang, cà rốt, đậu hà lan, đậu khuôn, tàu hũ ky… Tùy theo sở thích và khẩu vị, bạn có thể lựa chọn nhân bánh phù hợp. Các nguyên liệu sẽ được cắt thành hạt lựu và xào chín trước khi đưa vào bánh.
Thay lòng trắng trứng gà bằng bột bắp hoặc bột chiên giòn pha với chút nước để làm kết dính mép bánh. Bạn cũng có thể dùng tương ớt thay vì nước chấm, hương vị vẫn thơm ngon và hấp dẫn.
Cách làm bánh gối chay thật đơn giản đúng không? Đặc biệt phù hợp trong những ngày rằm mồng một hoặc những ngày bạn muốn ăn chay. Hãy thử làm món bánh gối này để chiêu đãi cả gia đình nhé!