Cách làm 15 món bánh ăn vặt ngon đơn giản, cả nhà nhâm nhi thì hết ý

Video cách làm bánh ăn vặt

Những món bánh ăn vặt dễ làm hấp dẫn bạn nên thử trong dịp cuối tuần để tự thưởng cho bản thân hoặc bạn bè người thân.

Cách làm 15 món bánh ăn vặt ngon đơn giản, cả nhà nhâm nhi thì hết ý

Ăn vặt là sở thích của không ít người, đặc biệt là các chị em. Thế nhưng, vấn nạn hàng quán bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc hoành hành như hiện nay thì thật khó để tìm được một quán ăn vừa ngon vừa đảm bảo. Vì thế các chị em hãy xem công thức một số món ăn vặt ngon và đơn giản để tự làm tại nhà nhé.

1. BÁNH XÈO MIỀN NAM

Nguyên liệu làm vỏ bánh:

  • Bột bánh xèo mua sẵn hoặc 500g bột gạo
  • Nước cốt dừa
  • 3 thìa cà phê nghệ
  • 1 chén cơm nguội

Nguyên liệu làm nhân bánh:

  • 400g thịt ba rọi
  • 400g tôm
  • 400g giá
  • 500g nấm rơm (hoặc cũng có thể thay thế bằng các loại nấm khác)
  • 2 củ hành tây

Nguyên liệu làm nước chấm:

  • Ớt sừng và tỏi băm nhuyễn
  • Nước mắm
  • Đường
  • Chanh hoặc giấm chua

Các loại rau ăn kèm:

  • Các loại rau thơm: húng quế, tía tô, diếp cá,…
  • Xà lách, cải cay

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Cắt đầu tôm rồi rửa sạch và lấy chỉ lưng. Ướp tôm với 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê tiêu xay, 1 thìa cà phê đường và 1 củ hành tím băm nhuyễn.

Thịt rửa sạch, trụng qua nước sôi rồi đem thái mỏng. Thịt cũng ướp sơ giống như tôm.

Cơm nguội xay nhuyễn với nước cốt dừa.

Hành tây lột vỏ, xắt mỏng. Nấm ngâm nước muối loãng, cắt gốc, rửa sạch. Sau đó theo thái sợi chỉ nhỏ.

Giá và các loại rau ăn kèm nhặt, rửa sạch rồi để riêng ra.

Hành lá rửa sạch, xắt nhỏ.

Bước 2: Pha bột làm bánh

Trước hết, cho bột gạo, nước cốt dừa và cơm nguội, thêm chút muối vào thau và trộn đều cho đến khi hỗn hợp tan hết và hơi loãng.

Tiếp theo cho hành lá, cơm nguội và bột nghệ vào tiếp tục trộn đều. Nêm nếm thêm ít gia vị: muối, đường, bột ngọt. Để cho bột nghỉ khoảng 1 tiếng.

Bước 3: Xào nhân

Để chảo lên bếp rồi cho 2 muỗng dầu ăn vào. Chờ đến khi dầu nóng thì cho thịt, tôm và nấm hương vào. Xào đều cho đến khi các nguyên liệu chín.

Nêm thêm khoảng ½ thìa hạt nêm rồi cho ra bát.

Bước 4: Đổ bánh

Chảo dùng để đổ bánh xèo miền Nam lớn và và đáy chảo trũng hơn. Theo đó, để đổ bánh, bạn bắc chảo lên bếp và cho dầu vào. Khi dầu nóng thì múc một muỗng bột lớn đổ vào, xoay chảo cho bột tráng đều thánh lớp mỏng. Sau đó, đậy nắp lại chừng 3 – 4 phút.

Mở nắp ra, cho nhân tôm, thịt, nấm và giá vào rồi gập bánh lại.

Tiếp tục nấu cho đến khi bánh vàng đều cả hai mặt thì múc ra khỏi chảo.

Bước 5: Pha nước chấm

Nước chấm để ăn kèm với bánh xèo miền Nam được pha theo tỉ lệ: 1 phần nước nước mắm, 1 phần đường, 1 phần giấm hoặc nước cốt chanh cùng với 5 phần nước. Cho thêm ớt và tỏi băm.

2. BÁNH XÈO MIỀN TRUNG

Nguyên liệu làm vỏ bánh:

  • 200g bột gạo
  • 100ml bia
  • 250ml nước
  • ½ thìa cà phê muối
  • ½ thìa cà phê bột nghệ
  • Hành lá
  • Dầu ăn

Nguyên liệu làm nhân bánh:

  • 200g tôm
  • 200g thịt bò hoặc thịt lợn ba rọi
  • 1 củ hành tây
  • 100g giá đỗ
  • Các loại gia vị

Nguyên liệu làm nước chấm:

  • Tỏi; ớt sừng; cà chua; nước mắm; me chua hoặc chanh

Các loại rau ăn kèm

  • Húng lũi, rau răm, quế, xà lách, ngò gai…
  • Rau sống
  • Xoài, khế chua, chuối chát, dưa leo,…

Cách làm:

Bước 1: Pha bột làm bánh

Đầu tiên, cho bột gạo, muối và bột nghệ đã chuẩn bị trộn đều lên với nhau. Sau đó pha 250ml nước vào cùng 100ml bia và 50ml nước cốt dừa. Cho hỗn hợp bột vào nước và khuấy đều.

Đem xắt thật nhỏ hành lá rồi cho vào bột, thêm chút dầu ăn. Để bột nghỉ trong khoảng 30 phút – 1 tiếng.

Bước 2: Sơ chế nguyên liệu

Tôm cắt râu, rửa sạch. Tôm ướp với gia vị, hành khô và gừng được cắt to một chút.

Thịt bò hoặc thịt ba rọi đem thái lát thật mỏng. Ướt sơ với chút muối, tỏi gừng băm, hạt tiêu và dầu ăn.

Hành tây thái múi cau, giá đỗ rửa sạch để riêng ra ngoài.

Bước 3: Xào nhân

Khi sơ chế nguyên liệu xong thì tiến hành xào. Chảo được làm nóng với một chút dầu, cho hành tây vào xào thơm với một ít gia vị. Sau đó cho tôm vào đảo. Đến lúc tôm gần chín thì cho thịt bò vào. Đảo sơ thêm một lúc thì múc để riêng ra.

Bước 4: Đổ bánh xèo

Bánh xèo miền Trung được đổ trong một cái khuôn bằng gang, có đường kính khoảng từ 10 – 15 cm.

Trước hết, cho dầu ăn vào, chờ cho dầu thật sôi. Đổ một lớp bột láng xung quanh cho thật mỏng và đều khắp khuôn. Đậy nắp lại trong nửa phút.

Cho hỗn hợp nhân bánh đã xào, hành tây và giá lên trên. Tiếp tục đậy nắp trong 2 phút nữa.

Tiếp theo mở ra và gập đôi chiếc bánh lại. Chờ cho đến khi bánh đã vàng và giòn đều cả hại mặt thì vớt ra ngoài. Làm như vậy cho đến khi hết bột và nhân bánh.

Bước 5: Pha nước chấm

Ớt sừng và cà chua đem bỏ hạt. Sau đó luộc chín lên và cho vào máy xay nhuyễn.

Nước mắm pha theo tỉ lệ 5 nước: 2 đường : 1.5 nước mắm vào rồi nấu chung với nhau cho tan chảu đường. Sau đó, dằm cho me ra chất chua rồi pha vào chén nước mắm, nêm nếm cho vừa ăn.

Cho ớt sừng, cà chua xay và tỏi băm vào.

3. BÁNH TIÊU

Nguyên liệu

  • Bột mì 500 gr
  • Men nở 10 gr
  • Đường trắng 50 gr
  • Muối 1 muỗng cà phê
  • Vani 1 ống
  • Mè trắng 2 muỗng canh
  • Dầu ăn 15 ml (để nhào bột) + 400ml để chiên

Cách làm

Bước 1: Nhào bột

Hòa tan 50g đường vào 1/2 chén nước ấm. Khi đường tan hết thì cho 5g men nở vào và khuấy đều cho đến khi men nổi lên trên mặt nước như gạch cua là được.

Trộn đều 500g bột mì với 1 muỗng cà phê muối, 5g men nở và 1 ống vani trong 1 tô lớn. Cho men đã hòa tan và 15ml dầu ăn vào hỗn hợp bột, nhào đều tay đến khi bột hòa lẫn với men, tạo thành khối bột, nhào bột không dính tay, bột dai, kéo dãn không bị đứt là đạt. Nếu bột ướt nên thêm bột từ từ, nếu bột nhào xong còn khô cứng bạn nên cho thêm một chút nước hoặc sữa tươi không đường.

Bọc màng thực phẩm lại, đem ủ bột khoảng 1 tiếng đồng hồ cho bột nở gấp đôi là được.

Bước 2: Nặn bánh

Sau khi bột đã nở phồng, dùng tay ấn nhẹ đều khắp khối bột để bọt khí thoát ra hết. Chia phần bột thành từng viên bột nhỏ rồi để bột nghỉ 15 phút. Sau đó, ấn dẹt, tẩm qua mè trắng. Tẩm vừng lên bánh khi chiên vàng đẹp và ăn thơm hơn.

Bước 3: Chiên bánh

Đun sôi 400ml dầu ăn rồi hạ nhỏ lửa, cho bánh vào chiên ngập trong dầu. Khi bánh chín phồng và và giòn thì vớt ra, để ráo dầu.

Đợi cho bánh tiêu chiên hơi nguội và ráo dều là có thể măm măm rồi nhé.

4. BÁNH BỘT LỌC

Nguyên liệu

  • 100g tôm sông
  • 500g bột năng
  • 200g thịt ba chỉ
  • Nước sôi
  • Tỏi, ớt, ớt bột, hành lá
  • Dầu ăn, măm, muối, bột nêm, đường

Cách làm:

Sơ chế nguyên liệu làm nhân bánh

Thịt ba chỉ rửa sạch, thái hạt lựu cho lên dĩa. Tôm rửa sạch để ráo nước.

Cho thịt ba chỉ vào ướp cùng hạt nêm, tiêu, hành lá thái nhỏ.

Tôm cho vào ướp cùng với tỏi băm, 1/2 muỗng tiêu, hạt nêm, chút muối cho vừa khẩu vị rồi trộn đều để nguyên liệu ngấm gia vị trong khoảng 10 phút.

Xem thêm:  Cách làm bánh gạo Hàn Quốc dẻo mềm chuẩn vị

Cho thịt đã ướp vào rim trong 15 phút, sau đó cho tôm vào rim cùng thêm 10 – 15 phút nữa là hoàn thành phần nhân bánh.

Các bước làm vỏ bánh

Cho 250g bột năng và một chút muối vào âu, trộn đều rồi đẩy bột ra thành âu sao cho có lỗ tròn ở giữa như miệng giếng. Đổ nước sôi vào giữa bột, trộn đều cho bột hòa quyện cùng nước, sau đó cho phần bột còn lại vào rồi dùng tay nhào bột cho đến khi thấy bột thành một khối mềm dẻo. Lưu ý khi nhào bột nên cho nước từ từ để bột bánh không bị quá khô hay quá nhão.

Cho bột vào âu rồi dùng màng bọc thực phẩm bọc lại để tránh bột bị khô khi chưa sử dụng ngay.

Công đoạn gói bánh

Cho bột vào nhào mịn, ngắt thành từng miếng nhỏ vo tròn rồi cán dẹt, cho một chút nhân tôm thịt đã làm vào giữa rồi gấp đôi miệng bột lại. Vuốt chặt mép bột để có được miếng bánh hình bán nguyệt, làm tương tự cho đến khi hết bột và nhân bánh.

Bí quyết luộc bánh bột lọc trần ngon nhất

Bắc nồi lên đun nước cho sôi, cho thêm chút dầu ăn và chút muối vào rồi thả bánh vào luộc cho đến khi bánh chín và nổi lên mặt nước là được.

Vớt bánh ra thả vào bát đun nước sôi để nguội, vớt bánh lên dĩa thoa thêm chút dầu ăn để bánh không dính vào nhau và mặt bánh có độ bóng. Để bánh ngon và có độ giòn, bạn nên chờ cho nước sôi hẳn rồi thả từng chiếc bánh vào. Cách này vừa làm cho bánh chín nhanh, giòn ngon mà bánh còn không bị dính vào nhau.

Làm nước chấm bánh bột lọc Huế

Bánh bột lọc ngon nhất khi chấm cùng nước mắm chua ngọt, bạn cho 2 muỗng nước mắm, 2 muỗng đường, 8 muỗng nước lọc, 1/2 trái chanh, ớt cắt khoanh rồi cho lên bếp đun cho hơi nóng là hoàn thành.

Hoàn thành và thưởng thức

Xếp bánh lên dĩa, chuẩn bị thêm rau sống để ăn kèm nếu thích. Chấm bánh cùng nước mắm chua ngọt sẽ tăng thêm hương vị thơm ngon.

5. BÁNH CHUỐI NƯỚNG BẰNG NỒI CƠM ĐIỆN

Nguyên liệu

  • 10 quả chuối chín
  • 1 quả trứng gà
  • 100 gram bột mì
  • 200 gram nước cốt dừa
  • 1 bịch sữa tươi không đường
  • Đường, bơ, vani, muối

Cách làm

Bóc vỏ chuối ra và thái thành những khoanh tròn. Bỏ chuối và đường vào một cái âu trộn đều cho đường ngấm vào chuối.

Rây bột vào trong hỗn hợp nước cốt dừa và sữa tươi, đảo đều để bột tan hết, cho trứng gà vào đánh tan.

Trộn chuối vào hỗn hợp nước cốt dừa, sữa tươi đã rây bột. Nếm thử độ ngọt xem đã đủ chưa. Nếu thấy nhạt thì có thể cho thêm. Sau đó rắc vào một ít muối cho bánh có vị dễ ăn (có thể cho hoặc không tùy khẩu vị từng người) rồi thêm vani vào.

Làm tan chảy bơ. Thoa 1 lớp bơ xung quanh thành nồi cơm điện, bật nút nấu cho nồi nóng lên rồi mới cho nguyên liệu vào nồi. Có thể cắt thêm một ít chuối theo khoanh tròn mỏng xếp dưới dáy nồi và trên bề mặt để khi chín bánh có mặt bánh đẹp.

Tùy vào nồi, bạn nên nướng 2 lần 60 phút, bánh chín chuối chuyển sang màu đỏ rất đẹp. Tùy theo nồi có thời gian chín bánh khác nhau nên bạn có thể nhìn theo màu bánh và bật lại nút nấu cho đến khi bánh chín.

Sau khi bánh chín, bạn phải chờ bánh nguội hẳn và chắc lại thì mới lấy dao hoặc muỗng lách nhẹ bánh ra và úp ngược bánh lại. Nếu bánh hơi dẻo nên lấy tay đỡ bánh để bánh không bị bể.

6. BÁNH CHUỐI CHIÊN

Nguyên liệu:

  • Chuối sứ: 10 quả chín
  • Bột gạo: 100 g
  • Bột mì
  • Đường
  • Muối ăn
  • Vani

Cách làm:

Chuối sứ lột bỏ vỏ ngoài, cắt đôi hoặc nếu quả chuối to quá thì cắt làm ba. Sau đó, lấy 1 cái thớt khô, bỏ chuối vô bọc nilon hay giấy kính lót ở phía dưới, đậy ở phía trên rồi lấy dao ép xuống cho chuối mỏng ra. Lưu ý là ép với lực vừa đủ, tránh làm miếng chuối nát ra.

Lấy 1 cái tô to rồi cho bột gạo, bột mì vào hòa tan với nước cho đến khi hỗn hợp đó hơi sánh lại là được. Lưu ý đổ nước từ từ để căn lượng nước, tránh làm bột bị loãng.

Bỏ thêm 1 muỗng canh đường, một ít muối ăn và 1 – 2 ống vani vào, khuấy đều cho tan hoàn toàn rồi để bột trong khoảng 30 phút trước khi chiên bánh.

Nhúng những miếng chuối ép vào tô bột chiên, lấy đũa đảo nhẹ.

Bắc chảo lên bếp, đợi chảo nóng rồi cho dầu ăn vào. Nên cho nhiều dầu ăn để bánh chuối nhanh vàng, giòn và không bị thấm nhiều dầu.

Đợi dầu nóng già thì dùng đũa hoặc vá gắp những lát chuối đã nhúng bột bỏ vào chiên. Lưu ý là chiên với lửa vừa vừa để tránh bánh bị cháy. Khi miếng bánh chuối đã vàng đều thì vớt ra, cho vào một cái đĩa lớn có lót giấy thấm dầu.

7. BÁNH CHUỐI NƯỚNG BẰNG LÒ NƯỚNG

Nguyên liệu:

  • Chuối sứ: 10 quả chín
  • Sữa tươi có đường: 170 – 200 ml
  • Đường nâu: 100 g
  • Nước cốt dừa: 150 ml
  • Bánh mì: 2 ổ
  • Trứng gà: 2 quả
  • Bơ lạt: 30 g
  • Vani
  • Khuôn tròn: 1 cái
  • Giấy nến

Cách làm:

Cho sữa tươi, nước cốt dừa, đường vào một cái tô to, quậy đều cho tan hoàn toàn. Sau đó, lấy bánh mì cắt nhỏ cho vào tô, dầm khoảng 15 – 20 phút cho bánh mì nở và mềm.

Bơ bỏ vào lò vi sóng khoảng 2 – 5 giây cho mềm ra rồi lấy ½ số bơ cho vào tô hỗn hợp, quậy đều.

Tiếp theo, đập 2 quả trứng gà vô tô hỗn hợp, quậy đều và cuối cùng bỏ vani vào, quậy tiếp cho đều là hỗn hợp để nướng bánh đã hoàn thành.

Chuối sứ bóc vỏ, cát dọc làm 2 – 3 lát tùy vào quả to hay nhỏ.

Chuẩn bị 1 cái khuôn tròn to, lót đầy giấy nến.

Trước tiên, đổ vào khuôn 1 lớp hỗn hợp rồi xếp đều 1 lớp chuối lên trên. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi hết hỗn hợp và hết chuối. Tùy theo khuôn thì số lớp khác nhau nhưng nên đổ khoảng 2 lớp hỗn hợp và xếp 2 lớp chuối để có lớp chuối nằm trên cùng làm bánh trở nên bắt mắt hơn.

Ấn nhẹ tay lên mặt chuối để cho chuối kết dính với hỗn hợp.

Lấy phần bơ còn lại quết lên mặt chuối để sau khi nướng bánh sẽ vàng hơn và thơm hơn.

Bật lò vi sóng ở khoảng 175 độ C trước khi nướng 5 – 10 phút. Nên nướng ở rãnh ở cuối lò, cả lửa trên và lửa dưới trong 45 – 60 phút. Trong khi nướng bạn có thể mở lò ra xem bánh chín chưa. Bánh chín để nguội, gỡ bỏ khuôn rồi bỏ vào đĩa, cho vào tủ lạnh cho cứng bánh.

8. BÁNH FLAN MỀM MỊN

Nguyên liệu

  • 13 quả trứng gà ta
  • 3 bịch sữa tươi không đường (tương đương 660 ml)
  • Nửa chén sữa đặc
  • 5 muỗng canh đường
  • 2-3 gói cà phê sữa (hoặc nếu bạn thích nguyên chất pha cà phê bột và sữa đặc thì vị sẽ đậm và đắng hơn)

Cách làm

Đầu tiên bạn cho đường lên chảo, bật lửa nhỏ nhất cho đường từ từ chảy ra. Sau khi chuyển qua dạng nước và có màu vàng thì bạn khuấy liên tục, thấy đậm màu thì cho thêm 2 muỗng canh nước và tiếp tục khuấy.

Khi caramen sệt sệt, nổi bong bóng lớn thì tắt bếp. Bạn tráng đều đáy khuôn hộp làm bánh một lớp caramen vừa phải (tầm 1-1,5 muỗng canh).

Trong thời gian đợi caramen nguội, bạn cho 3 bịch sữa tươi cùng nửa chén sữa đặc vào khuấy đều nhẹ tay, không đánh mạnh tránh sủi bọt, nếm lại, nếu muốn thêm đường theo sở thích thì bạn cho thêm tùy ý.

Xem thêm:  Cách Làm Bánh Pizza Bằng Nồi Chiên Không Dầu: Thêm Phần Sáng Tạo Và Ngon Miệng

Cho sữa lên bếp nấu với lửa vừa, khi sữa bắt đầu sôi tắt bếp, không để sữa sôi lớn.

Trong thời gian chờ sữa sôi, tách 7 lòng đỏ trứng gà (bỏ lòng trắng) và để nguyên 6 quả còn lại cho vào tô. Đánh đều nhẹ tay, đánh một chiều không để trứng nổi bọt, vì nếu bạn đánh mạnh, trứng nổi bọt sẽ bị rỗ trứng. Khi trứng tan đều, bạn lọc qua rây 2-3 lần cho mịn và loại bỏ phần lòng trắng lợn cợn.

Sau khi tất cả giai đoạn trên đã xong, bạn vừa đổ sữa vào trứng, vừa khuấy nhẹ theo một chiều (không được đổ trứng vào sữa, vì làm vậy trứng sẽ chín và vón cục làm bánh bị rỗ).

Lọc lại hỗn hợp trên một lần nữa.

Lấy các hộp đã tráng sẳn caramen, cho hỗn hợp trên vào hộp, lấy màng bọc thực phẩm bọc qua miệng hộp trước khi đậy nắp, để tránh hơi nước rớt xuống mặt bánh làm bánh bị rỗ, rồi đậy nắp hộp lên sau cùng (Nếu không có màng bọc thực phẩm, bạn có thể đậy nắp vào và lót một miếng khăn có thể hút nước mới đậy nắp nồi).

Cách hấp không cần nồi hấp: Có thể dùng chảo hoặc nồi để hấp bánh, cho hộp bánh trực tiếp vào nồi, bạn đặt một cái đĩa nặng lên để giữ bánh (để khi nước sôi bánh không bị chạy lung tung) cho nước trực tiếp vào nồi khoảng 1/2 so với hộp bánh để khi sôi nước không tràn được vào hũ.

Chờ 7-10 phút là xong một mẻ bánh. Nếu muốn kiểm tra độ chín của bánh, bạn có thể dùng một chiếc tăm nhúng vào cốc bánh, nếu thấy que tăm không bị dính bánh thì bánh đã chín.

Bánh sau khi chín, bạn chỉ cần úp bánh ngược ra đĩa, thưởng thức cùng cà phê và đá bào. Bánh flan ngon sẽ có màu vàng óng, không có những lỗ nhỏ hay bị rỗ xung quanh, có vị ngọt vừa,thơm ngậy và mềm mịn. Hãy cùng cả nhà thưởng thức món bánh flan thơm mềm béo ngậy thôi nào.

9. BÁNH SỮA TƯƠI CHIÊN

Nguyên liệu:

  • 2 bịch sữa tươi có đường hoặc không đường tùy theo ý thích (tương đương với 440ml sữa)
  • Trứng gà: 8 quả
  • Bột bắp: 50g
  • Đường: 100g
  • Vani: 2 ống
  • Bột chiên xù: 200g
  • Dầu ăn

Cách làm:

Bước 1: Làm bột bánh sữa tươi

Đập lấy lòng đỏ 2 quả trứng gà ra 1 tô lớn, sau đó cho 2 ống vani, đường và bột bắp vào khuấy thật đều cho bột bắp tan hết.

Cắt sữa đổ vào sau cùng rồi khuấy cho tan hết đường. Sau đó bạn đổ hỗn hợp này vào nồi và bắc lên bếp đun lửa vừa, vừa đun vừa khuấy liên tục cho đến khi hỗn hợp sệt lại và nổi bóng là được.

Bước 2: Bảo quản hỗn hợp trứng sữa tươi trong tủ lạnh

Sau khi hỗn hợp trứng sữa tươi vừa nguội, bạn lấy dầu ăn phết đều bề mặt hộp đựng thực phẩm. Sau đó đổ hỗn hợp vào hộp rồi dùng muỗng ấn cho phẳng bề mặt, đậy nắp bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh 90 phút.

Bước 3: Xay nhỏ bột chiên

Bột chiên xù bạn cho vào máy xay sinh tố (loại có cối xay hạt) xay nhuyễn. Nếu không có máy xay đồ khô thì bạn có thể bỏ bột chiên xù vào cối và giã đều tay rồi đổ bột chiên xù đã giã vào hộp có nắp đậy.

Bước 4: Đánh trứng gà

Lấy 4 trứng gà còn lại đánh ra tô và chỉ lấy lòng đỏ. Quả cuối cùng lấy cả lòng trắng và lòng đỏ, sau đó khuấy cho đều 5 quả trứng cho đến khi nổi bóng.

Bước 5: Chuẩn bị bánh để chiên

Lấy hộp đựng hỗn hợp trứng sữa ra khỏi tủ lạnh. Lúc này hỗn hợp trứng sữa đã đông đặc lại nên bạn sẽ dễ dàng để cắt chúng thành những miếng hình chữ nhật vừa ăn.

Cắt xong bạn cho từng miếng bánh vào tô trứng rồi lật qua lật lại cho trứng bám đều các mặt rồi bỏ vào hộp đựng bột chiên xù đã xay mịn, lăn qua một lần cho bánh dính bột.

Sau đó thả bánh vào bát trứng rồi lăn qua bột chiên xù 1 lần nữa.

Bước 6: Chiên bánh

Cho chảo lên bếp rồi đổ dầu ăn vào sao cho có thể ngập được bánh. Khi dầu nóng lên bạn thả bánh sữa tươi vào, sao cho bánh chín đều và có màu vàng đẹp mắt thì vớt ra. Bạn nhớ để lửa to để bánh nhanh chín và có màu vàng đều, đẹp nhé!

10. BÁNH TÔM HỒ TÂY

Nguyên liệu:

  • 300 gr tôm loại nhỏ
  • 50 gr khoai môn (hoặc khoai lang)
  • 100 gr cà rốt
  • 150 gr khoai tây
  • 1/3 củ hành tây
  • 60 gr tinh bột bắp
  • 140 gr bột mì
  • 1/3 muỗng cà phê bột nghệ
  • 1 muỗng cà phê bột nêm
  • 1/3 muỗng cà phê bột tiêu
  • 1 chút xíu đường
  • 250 ml nước đá lạnh

Cách làm:

Bột mì + bột bắp (tinh bột bắp) + bột nêm + tiêu + đường cho vào tô khuấy đều, tan mịn.

Tôm cắt đầu nhọn, rửa sạch.

Khoai môn + cà rốt + khoai tây gọt vỏ thái cọng nhỏ (bạn có thể bào sợi ngắn). Hành tây thái mỏng. Cho tất cả vào tô to, sau đó đổ hỗn hợp bột ở bước 1 và cho tôm vào luôn, trộn đều.

Bắc chảo dầu lên bếp ( hơi nhiều dầu), chờ dầu nóng bạn múc từng muỗng bột xen lẫn khoai và tôm cho vào chiên lửa vừa.

Khi miếng bánh vàng giòn, con tôm đỏ thì gắp bánh ra dĩa có lót giấy thấm dầu.

Bánh tôm Hồ Tây cho ra dĩa có xà lách, đồ chua cùng chén tương ớt chua ngọt. Bạn có thể ăn bánh với nước mắm chua ngọt nhé.

11. BÁNH GỐI NHÂN THỊT

Nguyên liệu

  • Bột mì: 140 gr
  • Bột gạo: 20 gr
  • Thịt heo (dùng thịt đùi vừa nạc vừa mỡ): 150 gr
  • Nấm mèo: 5 gr
  • Trứng cút: 10 quả
  • Trứng gà: 1 quả
  • Miến sợi: 20 gr
  • Cà rốt: 30 gr
  • Củ sắn: 30 gr
  • Hành lá: vài nhánh
  • Hành tím: 30 gr
  • Bắp vàng: 30 gr
  • Hành tây: 30 gr
  • Gia vị: Nước mắm, đường, hạt nêm, tiêu xay

Các bước thực hiện

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Thịt heo rửa sạch, cắt nhỏ rồi xay nhỏ.

Nấm mèo ngâm nở rồi xắt nhỏ.

Miến sợi ngâm nước 15 phút cho mềm rồi xắt nhỏ.

Các loại hành tây, cà rốt, củ sắn, hành lá, hành tím rửa sạch, xắt hạt lựu.

Bắp dùng dao bào nhỏ hạt.

Trứng cút luộc chín, bóc vỏ.

Bước 2: Nhào bột làm phần vỏ

Bột mì và bột gạo cho vào tô, đập vào một quả trứng gà trộn đều. Sau đó thêm vào 150 ml nước nhào thật mịn.

Dùng bọc thực phẩm bọc miệng tô cho bột nghỉ 30 phút.

Bước 3: Làm phần nhân bánh

Cho các nguyên liệu gồm: thịt heo xay, miến sợi, nấm mèo, cà rốt, bắp, hành tây, củ sắn vào tô trộn đều. Nêm vào 1/2 thìa cà phê tiêu, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1/2 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê nước mắm trộn đều, ướp trong vòng 15 phút.

Đun nóng một ít dầu ăn, cho hành tím vào phi vàng, sau đó trút phần nhân ở trên vào xào chín, cho hành lá vào xào thêm một chút rồi tắt bếp.

Bước 4: Gói bánh

Bạn chia bột ra thành những phần nhỏ, sau đó dùng cây cán bột mỏng ra.

Cho một ít nhân vô giữa miếng bột, thêm vào một quả trứng cút rồi gói lại. Dùng tay ấn miệng bánh cho chặt.

Bước 5: Chiên bánh

Để chảo dầu lên bếp đun sôi, cho bánh vào chiên nhỏ lửa cho đến khi vàng giòn là được.

Gắp bánh ra để ráo dầu rồi thưởng thức khi còn nóng cùng với nước chấm và rau sống.

12. BÁNH DA LỢN

Nguyên liệu

Màu Xanh:

  • 200gr bột năng
  • 60gr bột gạo
  • 400ml nước cốt dừa
  • 200ml nước lạnh có pha 1 chút màư lá dứa (hoặc 100ml nước cốt lá dứa + 100ml nước lạnh)
  • 300gr đường cát
  • 1/4tsp muối
Xem thêm:  Cách làm bánh flan sữa tươi siêu ngon tại nhà

Màu Vàng:

  • 150gr đậu xanh cà vò
  • 100gr bột năng
  • 30gr bột gạo
  • 200ml nước cốt dừa
  • 150ml nước lạnh
  • 200gr đường cát
  • 1/4tsp muối

Cách làm:

Phần bột màu xanh:

Khuấy tan đường + muối với nước lá dứa + nước cốt dừa, rây hai thứ bột vào thau nước đường lá dứa ,quậy đều. Lược qua rây cho bột mịn.

Phần bột màu vàng:

Đậu xanh ngâm nở nấu chín, cho đậu xanh vào máy xay nhuyễn. Khấy tan đường + muối + nước lạnh + nước dừa + đậu xanh xay.

Rây hai thứ bột vào thau nước đường, khuấy đều. Lược qua rây cho bột mịn.

Hấp bánh:

Đặt nồi hấp bánh cách thủy lên bếp nấu cho sôi, quét dầu đều khuôn bánh, cho khuôn vào nồi hấp, Lấy muỗng lớn đổ một lớp bột màu xanh vào khuôn dày cỡ 0,5cm. Đậy nắp chờ bánh chín khỏang 3-5 phút khi thấy bánh trong là được.

Tiếp tục đổ lớp màu vàng lên, nhớ dùng muỗng đổ bột cùng cỡ với muỗng đổ bột màu xanh. Đậy nắp lại chờ bánh chín. Bánh chín lấy ra để bánh bớt nóng. Trong khi chờ bánh nguội, dùng khuôn khác tiếp tục đổ bánh.

Cuộn bánh:

Trải miếng màng bọc thực phẩm lên khay hoặc dĩa, quét dầu lên màng bọc thực phẩm, bánh còn ấm lóc bánh ra khỏi khuôn để lên màng bọc thực phẩm, cuộn bánh lại, cho phần giáp mí xuống dưới. Tùy theo mình muốn cuộn bánh nhiều vòng hay ít vòng.

Bánh nguội dùng dao mỏng bọc thực phẩm cắt bánh mới đẹp.

Nếu không thích cuộn bánh thì đổ nhiều lớp nhưng những lớp sau sẽ lâu hơn lớp trước. Lớp cuối cùng thử bánh chín bằng cách dùng tăm thử nếu tăm không dính bánh là bánh chín.

13. BÁNH TAI HEO

Nguyên liệu:

  • Bột mì: 170 gr
  • Bột ca cao: 2 muỗng cà phê
  • Bơ thực vật: 20 gr
  • Sữa tươi không đường: 60 ml
  • Lòng đỏ trứng gà: 1 cái
  • Đường: 45 gr
  • Dầu ăn và một chút xíu muối

Cách làm:

Bước 1: Nhào bột

Cho bột mì vào tô lớn sau đó cho vào 45gr đường và một chút xíu muối rồi trộn đều lên. Tiếp theo cho sữa và lòng đỏ trứng gà vào trộn đều. Cuối cùng cho bơ vào nhào hỗn hợp bột thật đều và mềm mịn là được.

Sau đó bạn chia bột đã nhào kỹ thành 2 phần bằng nhau. Một phần để nguyên, một phần cho bột ca cao vào tiếp tục nhào thật kĩ để màu nâu đều đẹp.

Vậy là bạn đã có một khối bột màu vàng và một khối màu nâu. Bạn có thể không cần chia ra mà trộn ca cao vào nhào bột luôn, nhưng như vậy bánh sẽ không được đẹp mắt.

Bước 2: Cán bột

Lấy một miếng giấy nến trải lên bàn rồi đặt khối bột màu vàng lên. Dùng cây cán bột cán mỏng thành hình chữ nhật.

Tiếp theo lấy một miếng giấy nến khác đặt lên bàn rồi đặt khối bột màu nâu lên, cán mỏng như đã làm với khối màu vàng.

Sau khi cán xong bạn lấy miếng bột màu nâu đặt lên trên khối màu vàng rồi cán nhẹ để hai khối bột dính vào nhau.

Nhẹ nhàng cuộn miếng bột thành hình trụ tròn rồi dùng giấy nến gói lại, để bột vào ngăn mát tủ lạnh 2- 3 tiếng cho bột cứng lại.

Bước 3: Cắt bột

Sau khi bột bánh cứng lại bạn lấy khối bột ra đặt lên thớt và cắt thành từng lát mỏng như hình dưới.

Chú ý: Không nên cắt quá dày bánh sẽ lâu chín và không có độ giòn. Cũng không cắt quá mỏng dễ làm bánh bị vỡ.

Bước 4: Chiên bánh

Đun nóng 1 chảo dầu sau đó bạn cho từng lát bánh vừa cắt vào chiên, dầu ăn phải ngập mặt bánh để bánh không bị chai. Mỗi mẻ bánh bạn không nên cho quá nhiều bánh sẽ lâu chín.

Chiên lửa nhỏ cho tới khi bánh vàng giòn thì vớt ra đĩa có lót sẵn giấy thấm dầu, bạn tiếp tục làm cho hết nguyên liệu còn lại nhé.

Để bánh nguội là bạn có thể thưởng thức được luôn hoặc cho vào những lọ thuỷ tinh khô để dùng bánh trong vòng từ 2 – 3 ngày tiếp theo.

14. BÁNH SU KEM SỮA

Nguyên liệu:

Vỏ bánh:

  • 125ml nước
  • 50g bơ lạt
  • 75g bột mì
  • 2 quả trứng
  • Đường, muối

Nhân bánh:

  • 2 lòng đỏ trứng gà
  • 10g bột bắp
  • 1 gói sữa tươi không đường
  • 40g đường
  • 20ml kem tươi
  • 10g bơ lạt
  • Vani, đường, muối

Cách làm:

Làm nóng lò ở 200 độ C, dùng chế độ 2 lửa (bật quạt), trước 10 phút.

Bước 1: Làm vỏ bánh

Đun sôi 125ml nước lạnh, thêm vào 50g bơ lạt, 1 xíu muối, 1 muỗng cà phê đường, khuấy đều cho đến khi bơ tan. Sau đó, để lửa nhỏ, cho 75g bột mì vào, khuấy đều, nấu cho đến khi bột mì quyện đều và không dính nồi.

Tắt bếp, cho từng quả trứng vào, khuấy đều (số lượng 2 quả), khuấy cho đến khi hỗn hợp bóng mượt, múc lên rớt thành mảng là đạt. Rồi cho hỗn hợp trên vào túi bắt kem, tạo hình theo ý thích. Cho vào lò, nấc giữa, vặn thời gian 20-25 phút tùy kích cỡ bánh.

Khi thấy bánh có màu vàng nâu, bề mặt có vẻ cứng lại thì tắt lò, đem bánh ra và để trên giá cho nguội.

Bước 2: Làn nhân bánh

Đập 2 quả trứng, chỉ lấy lòng đỏ. Cho 10g bột bắp vào 1 gói sữa tươi không đường (220ml), khuấy đều.

Đun sôi sữa, thêm 40g đường, 20ml kem tươi, 10g bơ lạt. Sữa sôi cho 1 muỗng cà phê vani, 2 lòng đỏ trứng, 1 xíu muối, khuấy đều. Nấu cho đến khi hỗn hợp sệt thì tắt bếp. Đợi nhân nguội cho vào túi để ngăn mát tủ lạnh.

Bước 3: Cho nhân kem vào bánh

Lấy bánh ra, rạch 1 lỗ nhỏ. Bóp nhân kem lạnh vào. Để lạnh từ 2-4 tiếng ăn sẽ ngon hơn. Vỏ bánh mềm cùng nhân kem mát lạnh bên trong, khá ngon mà còn bắt mắt.

15. BÁNH RÁN MẶN

Nguyên liệu

Vỏ bánh

  • 160gr bột nếp
  • 3 thìa miệng canh bột gạo
  • 1 thìa đường
  • 1 chút muối
  • 40gr khoai lang luộc chín
  • Nước ấm, dầu ăn.

Nhân bánh

  • 150gr thịt băm
  • 1 nắm mộc nhĩ
  • 5 cái nấm hương
  • 1 củ cà rốt, bột nêm, tiêu, miến…

Nước mắm chấm

  • Cà rốt
  • Đu đủ xanh
  • 2 thìa nước lọc, 1 thìa nước mắm, 1 thìa đường
  • Ớt sừng, tỏi băm
  • Giấm hoặc nước cốt chanh
  • Rau thơm ăn kèm

Cách làm

Cho mộc nhĩ, nấm hương, miến vào bát nước lạnh ngâm cho nở mềm sau đó vớt ra để ráo nước, đem cắt nhỏ toàn bộ nguyên liệu trên.

Đu đủ, cà rốt gọt rửa sạch, cắt miếng nhỏ vừa ăn, trộn với ớt, tỏi băm nhỏ cùng một ít dấm ăn, đem ngâm khoảng 15-20 phút.

Khoai lang luộc chín, bóc vỏ sạch cho vào âu cùng với bột gạo, bột nếo, chút dầu ăn. Hòa tan 1 chút đường, muối vào nước ấm, cho vào âu bột trộn đều, nhào mịn sau đó dùng bọc ni lông bọc lại, cho bột nghỉ 20-30 phút.

Cho thịt xay, mộc nhĩ, nấm hương, miến, cà rốt bào sợi cùng với ít hạt nêm, nước mắm, tiêu… vào trộn đều. Viên nhân lại thành hình bầu dục sao cho nhân kết dính, không bị vỡ.

Đem bột ra vo thành từng miếng nhỏ, nặn dẹt, cho nhân vào giữa phần bột rồi bọc kín, đều các góc, nặn thành hình bầu dục.

Bắc chảo lên bếp, bật lửa vừa đun cho dầu nóng già. Cho bánh vào chiên, lật đều các mặt cho bánh chín.

Khi thấy bánh màu vàng ruộm, đều là bánh đã chín. Vớt ra, đĩa có lót giấy thấm dầu bên dưới.

Phần nước chấm

Pha nước mắm với đường, nước lọc, chanh, sau đó cho phần đu đủ, cà rốt đã ngâm vào bát, trộn đều. Nếm lại cho vừa độ chua, cay, mặn ngọt là được.

Bánh rán mặn ăn nóng, chấm nước mắm chua ngọn, ăn kèm với rau sống, rau thơm là ngon nhất.