Trước vô vàn biến tấu về cách làm bánh khoai tây khiến cho bạn lúng túng, hãy tham khảo công thức dưới đây để trổ tài cho cả gia đình cùng thưởng thức.
Bánh khoai tây chiên thơm ngon. Ảnh: Internet
Món bánh khoai tây giòn thơm khó cưỡng thực hiện nhanh gọn, dễ dàng chinh phục khẩu vị người dùng.
Khoai tây có tác dụng gì?
Trong khoai tây có nhiều dinh dưỡng tốt cơ thể như các nhóm vitamin, tinh bột, sắt, canxi, magiê, mangan, kali…
Tăng cường hệ miễn dịch: khoai tây cung cấp 45% lượng vitamin C cần thiết hằng ngày cho cơ thể, thường xuyên bổ sung loại thực phẩm này giúp bạn ngừa một số bệnh như cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, chảy máu nướu răng…
Bảo vệ sức khỏe tim mạch: chất xơ trong khoai tây làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu, giúp hệ thống tim mạch khỏe mạnh và hoạt động ổn định, ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
Làm đẹp da: các loại vitamin C, B6, kali, kẽm… trong khoai tây, không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp chị em phụ nữ có làn da mềm mịn, ngăn ngừa lão hóa hiệu quả.
Cải thiện chức năng hệ tiêu hóa: lượng chất xơ dồi dào từ khoai tây hoạt động giống như chất nhuận tràng, ngăn ngừa táo bón và các vấn đề ở đường ruột. Ngoài ra, tinh bột và chất xơ ở khoai tây còn hỗ trợ hút bớt axit và dịch tiết bên trong dạ dày, làm giảm nguy cơ mắc bệnh trào ngược axit dạ dày thực quản.
Bật mí cách chọn khoai tây ngon
Khi mua khoai tây, bạn nên lưu ý một số đặc điểm sau để chọn những củ khoai chất lượng:
Khoai tây nên chọn củ có màu vàng, vỏ trơn nhẵn, lành lặn, không có chấm đen, tuyệt đối không chọn khoai đã mọc mầm, lớp da chuyển sang màu xanh vì những củ này rất độc, gây hại đến sức khỏe.
Bạn không nên chọn những củ khoai tây màu trắng hoặc khi ấn vào thấy mềm, vỏ nhăn nheo, không còn dưỡng chất.
Những củ khoai tây mang sắc vàng tươi mới. Ảnh Internet.
Nên ưu tiên chọn những củ khoai cầm chắc tay, không có vết lõm quá sâu để việc sơ chế trước khi nấu dễ dàng hơn.
Hướng dẫn cách làm bánh khoai tây đúng chuẩn, ngon hết sảy
Nguyên liệu
- Khoai tây: 500 gram
- Bột mì: 200 gram
- Rau mùi tây hoặc hành lá
- Muối, tiêu, ớt bột, dầu ăn
Chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh khoai tây không hề khó, tùy thuộc vào khẩu phần của từng gia đình, mà có thể điều chỉnh nguyên liệu cho phù hợp.
Các bước thực hiện
Sơ chế
Bạn rửa sạch lớp đất bên ngoài của khoai, sau đó bỏ vào nồi cùng một ít muối, cho nước ngập củ khoai và mang đi luộc trong vòng 15 – 20 phút cho chín rục.
Rau mùi tây hoặc hành lá rửa sạch, để ráo nước, cắt nhuyễn.
Mẹo nhỏ để lột vỏ khoai dễ dàng: bạn dùng dao khứa nhẹ một đường quanh vỏ khoai trước khi luộc, lúc khoai chín bạn dùng tay bóc vỏ ra dễ dàng hơn.
Trộn bột
Sau khi lột vỏ, cho khoai tây được hấp mềm ra tô lớn, dùng thìa hoặc dụng cụ chuyên dụng để nghiền nát khoai.
Bạn cho 200 gram bột mì vào phần khoai tây nghiền, thêm ½ muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê tiêu, ½ muỗng cà phê ớt bột, rau mùi tây hoặc hành lá, tiếp tục trộn đến khi bột nhuyễn, mịn.
Nghiền nhuyễn khoai tây sau khi hấp chín. Ảnh: Internet
Bước cuối cùng của công đoạn chuẩn bị bột, bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc kín tô bột trong khoảng 30 phút để bột được nghỉ ngơi và chuyển sang bước tiếp theo.
Nặn và chiên bánh
Sau khi bột nghỉ đủ thời gian, bạn chia đều bột thành các khối vừa ăn, sau đó tạo hình tùy theo sở thích hoặc nặn hình tròn, cho đến khi hết nguyên liệu.
Trong quá trình tạo hình cho bánh, bạn nên dùng bao tay chế biến thực phẩm để không bị dính bột vào tay.
Chiên vàng đều hai mặt bánh khoai tây. Ảnh: Internet
Đun nóng dầu ăn rồi cho bánh vào chiên vàng hai mặt, mỗi mặt bánh chiên 3 – 4 phút ở lửa nhỏ vừa để bánh được chín đều, không bị cháy xém.
Khi bánh đã chín, bạn gắp ra và cho vào đĩa có giấy thấm dầu.
Bánh khoai tây chiên. Ảnh: Internet
Yêu cầu thành phẩm
Bánh khoai tây thành phẩm có lớp vỏ vàng giòn hấp dẫn, bên trong mềm dẻo, kết hợp cùng vị béo bùi của khoai tây được nêm nếm vừa miệng.
Khi thưởng thức, bạn có thể chấm với tương cà, tương ớt, xốt mayonnaise hoặc dùng với nước ngọt có gas để gia tăng hương vị của món ăn.
Một số lưu ý khi sử dụng khoai tây
- Đối với người mắc bệnh tiểu đường không nên dùng nhiều khoai tây, sẽ làm tăng lượng đường trong máu, đẩy mạnh insulin, gây hại cho sức khỏe.
- Bạn không kết hợp khoai tây dùng cùng với cà chua, hai thực phẩm này sẽ gây khó tiêu, ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Ngoài ra, bạn cũng không nên ăn khoai tây cùng quả lựu, anh đào, quả hồng vì dễ gây ngộ độc.
- Sau khi chế biến món bánh khoai tây, bạn nên thưởng thức ngay để tránh tình trạng bánh bị khô cứng, giảm vị ngon.
Món bánh khoai tây phù hợp với những ngày thời tiết mưa lạnh, bạn hãy lưu lại cách làm bánh khoai tây chuẩn vị này để trở tài mời gia đình và bạn bè thưởng thức. Chúc các bạn thực hiện thành công!
Blog về Sâm Ngọc Linh và các thực phẩm, sức khỏe. Blog về Sâm Ngọc Linh và các thực phẩm, sức khỏe