Dưa giá muối chua là một món ăn đơn giản, không tốn nhiều tiền và dễ ăn. Vị chua ngọt và giòn ngon của món dưa giá sẽ cân bằng hương vị của bữa ăn nhiều cá thịt.
Món ăn đơn giản, ngon miệng
Cách làm dưa giá chua ngọt đơn giản, dễ làm và nhanh chóng. Hãy học cách làm dưa giá ngon giòn chống ngán cho bữa ăn hàng ngày và cả trong những ngày Tết nhé!
Dưới đây là những cách làm dưa giá ngon để bạn tha hồ ăn uống mà không lo ngán ăn.
1. Cách làm dưa giá chua ngọt
Với cách làm dưa giá chua ngọt này, bạn sẽ có một món ăn đầy màu sắc: màu xanh của lá hẹ, màu cam của cà rốt, màu trắng của giá đỗ, và chút màu tím của hành củ. Món dưa giá chua ngon này có thể để lâu hơn trong ngăn mát tủ lạnh nếu không ăn hết.
Nguyên liệu
- Giá đỗ sạch: 500 gr
- Cà rốt: 1 củ vừa
- Hành tím: 2-3 củ
- Hẹ: 1 bó
- Ớt: 4 – 5 quả (có thể bỏ qua)
- Đường, muối, giấm, nước lọc
- Lọ thủy tinh sạch (tráng qua nước sôi, để khô)
Bạn có thể tự làm giá đỗ tại nhà để đảm bảo sạch và an toàn, cho món dưa giá thêm phần ngon miệng.
Cách làm món dưa giá hẹ
Các bước làm dưa giá hẹ chua ngọt như sau:
- Cho ba thìa canh đường, hai thìa nhỏ muối, một thìa nhỏ giấm hòa tan với bốn thìa canh nước lọc (nếm thấy chua chua ngọt ngọt vừa miệng là ok). Đem hỗn hợp nước muối này đi đun sôi, để sôi khoảng 1-2 phút thì tắt bếp, đợi nguội.
- Giá đỗ nhặt bỏ rễ và vỏ đỗ còn sót lại, rửa sạch, để ráo.
- Cà rốt sau khi rửa thì gọt bỏ vỏ, thái hoặc nạo sợi.
- Lá hẹ rửa sạch, cắt khúc khoảng 3 cm, để ráo.
- Hành củ bóc vỏ, thái lát mỏng.
- Cho hết giá đỗ, cà rốt, lá hẹ, hành tím vào âu hoặc rổ sạch, trộn đều nhẹ nhàng.
- Ớt rửa sạch, thái lát. Đợi nước muối nguội thì cho ớt vào cùng.
- Trút hỗn hợp giá đỗ vừa trộn vào lọ thủy tinh đã chuẩn bị sẵn, rót nước muối đường giấm vào ngập giá. Lấy đồ gài lên trên cho giá không nổi khỏi mặt nước.
- Khoảng 1 ngày bạn có thể đem dưa giá ra, vắt bớt nước rồi cho ra đĩa ăn cùng với cơm và các món ăn khác. Bạn cũng có thể pha một bát nước mắm để chấm dưa giá, ăn rất ngon.
Nước mắm để chấm dưa giá nên có gừng tỏi băm, ớt cắt lát, đường, nước lọc, nước cốt chanh, và ớt bột, khuấy đều sao cho nước mắm đặc, có chút sền sệt do ớt bột.
2. Cách làm dưa giá ngon
Thêm một cách làm dưa giá ngon có thể để lâu. Khác với cách muối dưa giá miền Nam dùng lá hẹ, người miền Bắc thường dùng hành lá cho món dưa giá muối chua này.
Nguyên liệu
- Giá đỗ: 500gr
- Cà rốt: 100gr
- Hành hoa: 1 bó
- Hành khô: 2 – 3 củ
- Riềng: 1 nhánh
- Muối
- Hũ thủy tinh
Cách làm dưa giá:
Bước 1:
- Giá đỗ đãi bỏ vỏ, nhặt sạch rễ, rửa sạch, để ráo.
- Hành hoa chỉ lấy phần lá xanh, rửa sạch, cắt khúc bằng giá đỗ, để ráo.
- Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ, nạo sợi.
Bước 2:
- Trộn đều các nguyên liệu lại với nhau.
Bước 3:
- Muối đem pha với nước lọc, nếm thấy mặn hơn nấu canh một chút là được.
Bước 4:
- Cho hỗn hợp giá đỗ đã trộn vào hũ thủy tinh đã tiệt trùng, đổ nước muối vào ngập giá, dùng vật nặng (bát, đĩa, …) hoặc vỉ đè lên để giá không bị nổi lên trên mặt nước.
- Ngâm khoảng 1-2 ngày thì dưa giá có thể ăn được.
3. Cách làm dưa giá bằng nước vo gạo
Cách làm dưa giá bằng nước vo gạo nghe có vẻ khá lạ nhưng làm theo cách này, dưa giá sẽ ngon hơn. Tuy nhiên, với cách muối dưa giá này, món ăn không thể để lâu như cách 1 và 2.
Nguyên liệu
- 500g giá đỗ
- 1 củ cà rốt
- 1 bó lá hẹ hoặc hành lá
- 3 – 4 trái ớt
- 1 – 2 củ tỏi
- Muối, đường, giấm, nước vo gạo.
- Hũ thủy tinh hoặc hũ sành, sứ đã tiệt trùng
Cách làm:
Cách làm dưa giá bằng nước vo gạo cũng tương tự như các cách làm khác, chỉ là thay thế nước muối đun sôi để nguội bằng nước vo gạo cho mà thôi.
Bước 1:
- Giá đỗ nhặt sạch, rửa rồi để ráo.
Bước 2:
- Pha muối, đường cùng chút xíu giấm vào nước vo gạo, khuấy thật đều. Nêm nếm sao cho hơi ngọt, hơi chua chua là được vì với cách làm này sẽ lấy vị ngọt trước, vị chua sẽ sản sinh dần từ nước vo gạo lên men (tỉ lệ thường là 1 lít nước : 4 muỗng đường: 2 muỗng giấm).
- Cho tỏi ớt vào hòa cùng nước vo gạo đã pha đường, muối.
Bước 3:
- Giá đỗ, cà rốt, lá hẹ/ hành lá trộn đều, cho vào hũ thủy tinh đã chuẩn bị sẵn.
- Rót hỗn hợp nước vo gạo vào ngập giá, dùng que tre gài lên để giá không nổi lên rồi đậy kín, cất hũ vào nơi thoáng mát.
Với cách muối dưa giá bằng nước vo gạo này, 1 ngày là có thể đem dưa giá ra ăn được.
4. Cách làm dưa giá ăn liền
Với cách làm dưa giá ăn liền này, bạn không cần phải đợi 1-2 ngày mới có thể ăn mà chỉ cần đợi khoảng 1 tiếng. Cách làm dưa giá muối xổi ăn liền như sau:
Nguyên liệu
- Giá đỗ: 300 g
- Cà rốt: 2 củ vừa
- Muối, đường, chanh (hoặc giấm), nước đun sôi để nguội
Cách làm dưa giá ăn liền:
Cách làm món dưa giá ăn ngay này bạn phải làm trước khi bắt đầu nấu ăn vì món ăn cần để khoảng 1 tiếng mới ăn được. Làm trước rồi mới nấu món khác thì khi dọn ăn là món dưa giá đã hoàn thành, có thể đem ra ăn cùng món ăn khác.
- Giá đỗ nhặt sạch vỏ và rễ, rửa sạch rồi vớt ra rổ, để ráo nước.
- Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ, nạo sợi nhỏ, dài bằng giá đỗ, để vào rổ cho ráo nước hoàn toàn.
- Giá và cà rốt cho vào 1 cái thố, trộn đều nhẹ nhàng.
- Cho muối, đường, chanh ( hoặc giấm) và 2 tô nước đun sôi để nguội vào 1 cái thố, khuấy đều cho tan hoàn toàn. Về liều lượng thì tùy vào khẩu vị của mọi nhà, chỉ cần nếm thấy đủ vị chua mặn ngọt vừa miệng là được.
- Đổ nước muối vừa pha vào thố đựng giá, cà rốt. Ấn giá và cà rốt xuống để giá, cà rốt ngập trong nước. Để vậy khoảng 1h thì dưa giá có thể ăn được.
- Vớt dưa giá ra đĩa, ăn kèm cơm và món thịt kho tàu (thịt kho trứng cút) hoặc thịt ba chỉ luộc chấm cùng nước mắm ngon là đúng bài nhất.
Bạn nên làm món dưa giá muối xổi đủ ăn ngay trong ngày.
5. Cách làm dưa giá củ kiệu
Cách làm dưa giá củ kiệu là phong cách đặc trưng của xứ Huế. Với cách làm này, món dưa giá sẽ có thêm vị giòn thơm của củ kiệu. Củ kiệu được sử dụng cả phần củ lẫn phần lá. Lá kiệu thay thế lá hẹ hoặc lá hành.
Nguyên liệu
- Giá đỗ: 500 g
- Kiệu tươi: 150 g
- Cà rốt: 1 củ
- Muối sống
- Hũ thủy tinh
Cách làm
Bước 1: Sơ chế củ kiệu
- Kiệu lột vỏ và lá úa, cắt bỏ rễ rồi rửa kĩ cho sạch hết đất cát, để ráo. Phần củ và phần lá cắt ra để riêng. Lá kiệu cắt khúc khoảng 4-5 cm. Củ kiệu cắt mỏng theo chiều dọc để kiệu nhanh ngấm chua.
- Hòa tan 2 nắm nhỏ muối với 4 chén nước. Cho hết củ và lá kiệu vào hũ thủy tinh rồi đổ nước muối vào, dùng thanh gài gài lên trên để kiệu ngập trong nước. Đem hũ bỏ chỗ mát 2 ngày.
Bước 2: Sơ chế nguyên liệu khác
Sau 2 ngày, tiến hành sơ chế các nguyên liệu khác:
- Cà rốt cạo vỏ, rửa sạch, nạo sợi mỏng.
- Giá đãi bỏ vỏ, rửa sạch, để ráo.
Bước 3: Muối dưa giá củ kiệu
- Đổ hết giá vào âu to, dàn đều. Tiếp đến, rải cà rốt lên, sau cùng là phần lá và củ kiệu. Đổ nước muối củ kiệu vào ngâm. Lưu ý nước phải ngập mặt dưa, nếu nước không đủ thì pha thêm nước muối loãng đổ vào. Đặt âu dưa giá vào nơi kín gió, ngâm khoảng 5 tiếng rồi trộn đều hết các nguyên liệu, cho vào hũ đậy kín.
- Sau 10 tiếng, bạn có thể đem dưa giá ra để ăn. Nếu không ăn hết, hãy cho vào ngăn mát bảo quản.
Dưa giá củ kiệu ngon phải có màu trắng đẹp và vị chua vừa ăn. Với người Huế và các vùng lân cận, món dưa giá củ kiệu này không thể thiếu khi ăn thịt luộc hoặc thịt heo quay.
Một vài lưu ý để muối dưa giá ngon giòn
- Nước muối dùng để muối dưa giá phải để nguội. Nếu nước nóng, dưa giá sẽ chín nhũn và không ngon.
- Nếu muốn dưa giá để lâu thì hãy sử dụng cách 1 hoặc 2 như đã hướng dẫn, không dùng cách muối bằng nước vo gạo. Khi dưa bắt đầu chua, hãy bỏ ngay vào ngăn mát tủ lạnh.
- Nên làm dưa giá đủ ăn trong 1 – 2 ngày. Khi ăn hết, hãy làm tiếp để đảm bảo dưa giá ngon nhất.
- Với cách muối dưa giá bằng nước vo gạo, nên hạn chế sử dụng đường quá nhiều để không làm dưa chua quá mức.
- Pha nước muối dưa giá vừa đủ mặn, không quá mặn để dưa giá lâu chua và không bị mất độ giòn ngon.
Dưa giá làm theo cách nào cũng ngon, có vị chua ngọt vừa miệng, giòn giòn, thanh mát, ăn rất ngon kèm với cơm. Người miền Nam thường kết hợp dưa giá cùng các món như canh chua cá lóc, thịt luộc, cà pháo mắm tôm hay các món rau luộc khác, dù dân dã nhưng rất ngon miệng.
Chúc bạn thành công với các cách làm dưa giá đơn giản này nhé!