Cách nấu chè đậu đỏ béo ngậy cho ngày Thất Tịch thêm ấm áp

Gần đến ngày 7/7 Âm lịch, hay Ngày Thất Tịch, các bạn trẻ lại “đua nhau” ăn chè đậu đỏ để sớm tìm được một nửa yêu thương. Thế nhưng, trong hoàn cảnh giãn cách này, thay vì phải đặt hàng trực tuyến và chờ được giao hàng, tại sao bạn không thử nấu chè đậu đỏ thơm ngon ngay tại nhà? Nó vừa bổ dưỡng, vệ sinh lại tiết kiệm!

Chè đậu đỏ thơm ngon với vị bùi bùi của đậu, vị beo béo của nước cốt dừa chắc chắn là món ăn làm “xiêu” lòng rất nhiều người. Đặc biệt, trong ngày Thất Tịch thì đây là món ăn được tìm kiếm hàng đầu.

Bởi theo quan niệm của người Trung Quốc, màu đỏ là màu tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc và thành công. Do đó, ăn chè đậu đỏ vào ngày Thất Tịch là cách để cầu cho đường tình duyên của mình gặp nhiều may mắn và sớm tìm được ý trung nhân như ý.

3 cách nấu chè đậu đỏ ngon nhất

cách nấu chè đậu đỏ

Có rất nhiều cách nấu chè đậu đỏ khác nhau, dưới đây là một vài cách đơn giản và phổ biến nhất mà bạn có thể thử:

1. Cách nấu chè đậu đỏ nước cốt dừa

Để nấu chè đậu đỏ nước cốt dừa, bạn cần chuẩn bị:

  • 200g đậu đỏ
  • 200ml nước cốt dừa
  • 20g bột bắp
  • 1/2 muỗng cà phê muối
  • 150g đường thốt nốt (có thể thay thế bằng đường phèn, đường trắng)
  • 3 – 4 cọng lá dứa

Cách thực hiện:

  • Đậu đỏ nhặt bỏ hạt lép, hạt bị mọt. Rửa đậu rồi ngâm qua đêm hoặc ngâm tầm 6-8 giờ với nước có pha thêm ½ thìa cà phê muối để khi nấu, đậu nhanh nhừ hơn và không bị vỡ phần hạt.
  • Sau khi ngâm, xả lại đậu thật sạch và cho vào nồi với 2 lít nước, 3 – 4 cọng lá dứa và ½ thìa cà phê muối. Đậy nắp và đun sôi với lửa nhỏ khoảng 30 – 45 phút để đậu không bị vỡ. Hoặc bạn cũng có thể cho vào nồi áp suất nấu để tiết kiệm công sức và thời gian.
  • Kiểm tra xem đậu đã chín, mềm chưa. Nếu chưa, tiếp tục nấu cho đến khi đậu mềm. Khi đậu mềm, cho thêm đường và nấu thêm khoảng 15 phút.
  • Trong khi chờ đậu chín, bạn có thể hòa tan 20g đậu bắp với 100ml nước, khuấy đều để bột không bị vón cục, thêm đường.
  • Cho phần nước cốt dừa, hỗn hợp bột bắp và đường vào nồi. Đun trên lửa vừa cho đến khi nước cốt dừa sánh lại, trong khi đun thì khuấy đều tay để tránh bị vón cục. Nếu sợ nước cốt dừa quá đặc, bạn có thể thêm vào nồi khoảng 50ml nước, nấu đến khi sôi thì tắt bếp.
  • Múc chè đậu đỏ ra chén, thêm nước cốt dừa và thưởng thức.
Xem thêm:  Phun môi có được ăn chuối không? Ăn gì và kiêng gì để nhanh lên màu đẹp

2. Cách nấu chè đậu đỏ trân châu lạ miệng

Ngoài chè đậu đỏ nước cốt dừa, bạn có thể thử nấu món chè đậu đỏ trân châu theo bí quyết sau:

  • 200g đậu đỏ
  • 100g bột năng để làm trân châu
  • 200ml nước cốt dừa
  • 80g đường
  • 10 – 20g bột năng để làm bột áo

Cách nấu chè đậu đỏ ngon:

  • Ngâm đậu đỏ qua đêm với nước có pha thêm ½ thìa cà phê muối để khi nấu, đậu nhanh nhừ hơn và không bị vỡ phần hạt.
  • Đổ nước sôi từ từ vào 100g bột năng với lượng vừa phải, không cho quá nhiều để tránh bị nhão.
  • Để nước nguội bớt, nhào bột cho thật kỹ, vắt bột thành từng cục nhỏ, vo tròn, phủ lên 1 chút bột áo để tránh bị dính và vo thành viên nhỏ.
  • Đậu sau khi ngâm xong thì rửa sạch, nấu với 1,5 lít nước với lửa lớn khoảng 5 – 10 phút, sau đó chuyển sang lửa vừa để đậu chín, mềm, rồi chuyển sang lửa nhỏ để ninh nhừ (khoảng 20 – 25 phút).
  • Cho những viên bột năng đã vo vào nồi chè, nấu khoảng 10 phút để bột chín và mềm, thêm 80g đường (có thể gia giảm tùy khẩu vị), tí xíu muối. Nấu sôi và tắt bếp.
  • Múc ra chén, thêm nước cốt dừa và thưởng thức.

3. Cách nấu chè đậu đỏ hạt sen

cách nấu chè đậu đỏ

Chè đậu đỏ hạt sen cũng là món ăn rất thơm ngon, bổ dưỡng mà bạn có thể thử. Để nấu chè đậu đỏ hạt sen, bạn cần chuẩn bị:

  • 100g đậu đỏ
  • 50g hạt sen khô hoặc 150g hạt sen tươi
  • 1 thìa bột sắn dây hoặc bột năng
  • 200ml nước cốt dừa
  • 80g đường
Xem thêm:  Bữa trưa ăn gì? Gợi ý 8 món ăn trưa ngon lành, bổ dưỡng

Cách nấu chè đậu đỏ ngon:

  • Rửa sạch đậu đỏ và hạt sen, sau đó ngâm riêng với nước khoảng 6 – 8 giờ. Nếu dùng hạt sen tươi, bạn không cần ngâm hạt.
  • Cho hạt sen khô đã ngâm nở vào nồi ninh khoảng 10 phút, sau đó cho đậu đỏ vào và ninh nhừ (khoảng 30 – 45 phút). Nếu dùng hạt sen tươi, bạn nên ngâm đậu đến khi đậu gần mềm mới cho hạt sen vào để tránh bị bở nát.
  • Khi đậu và hạt sen đã chín mềm, thêm đường và khuấy đều nhẹ tay. Ninh thêm khoảng 10 phút để đường ngấm vào đậu và hạt sen.
  • Khuấy 2 thìa bột sắn dây hoặc bột năng với một ít nước lạnh, cho vào nồi chè đang nấu, vừa đổ vừa khuấy để bột tan đều và chín. Khi bột chín hoàn toàn, chè có độ sánh thì tắt bếp.
  • Múc chè đậu đỏ ra chén, thêm nước cốt dừa và thưởng thức.

Bí quyết nấu chè đậu đỏ ngon, nhanh mềm

  • Thay vì ninh trên bếp, bạn có thể ninh đậu bằng nồi cơm điện hay nồi áp suất để vừa nhanh vừa tiết kiệm thời gian. Cách nấu chè đậu đỏ bằng nồi cơm điện cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần cho vào nồi và bật chế độ nấu, khi sôi khoảng 15 phút thì chuyển sang chế độ giữ ấm khoảng 10 phút rồi chuyển sang chế độ nấu khoảng 5 – 10 phút.
  • Để đậu nhanh mềm hơn thì khi ninh, bạn nên cho thêm vào nồi 1 chút muối.
  • Nên sử dụng đường phèn hoặc đường thốt nốt thay vì đường cát trắng hay đường nâu để món chè có vị ngọt thanh mát.
  • Chọn mua đậu đỏ chất lượng để có món chè ngon. Bạn nên chọn loại đậu đỏ có màu tươi, hạt to, mẩy đều nhau, không bị “khuyết tật”, hư hỏng hay mọt sâu.
  • Do thời gian ngâm đậu đỏ khá lâu nên để tiết kiệm thời gian, bạn có thể ngâm đậu qua đêm.

Ăn chè đậu đỏ không chỉ “thoát ế” mà còn rất tốt cho sức khỏe

Ngoài khả năng “cầu duyên thoát ế” mà dân gian truyền tai nhau, chè đậu đỏ cũng là món ăn rất tốt cho sức khỏe nếu được ăn vừa phải đúng cách. Bởi đậu đỏ chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể như protein, chất xơ, vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật có lợi.

Xem thêm:  Ăn quả sung có tốt không? 6 tác dụng của quả sung khiến bạn bất ngờ

Dưới đây là một số lợi ích sức khỏe khi ăn chè đậu đỏ:

  • Cải thiện tiêu hóa, nâng cao sức khỏe đường ruột do đậu rất giàu chất xơ hòa tan và tinh bột kháng, tốt cho hệ vi sinh đường ruột. Không những vậy, hàm lượng chất chống oxy hóa cao có tác dụng ức chế phản ứng viêm có thể làm giảm viêm ruột, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa, đặc biệt là ung thư ruột kết.
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 do chất xơ trong đậu có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin và giảm nguy cơ lượng đường trong máu tăng đột biến sau bữa ăn.
  • Hỗ trợ giảm cân do lượng chất xơ, protein và các hợp chất có lợi trong đậu đỏ có thể làm giảm cảm giác đói, tăng cảm giác no và từ đó, giúp bạn giảm cân.
  • Tốt cho sức khỏe tim mạch bởi các hợp chất được tìm thấy trong đậu đã được chứng minh là có thể giúp giảm huyết áp, mức cholesterol và chất béo trung tính, từ đó giúp tim khỏe mạnh hơn.
  • Giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh do đậu đỏ rất giàu folate, một chất dinh dưỡng quan trọng trong thai kỳ có thể làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh.
  • Tốt cho xương: Ăn đậu đỏ thường xuyên có thể giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương hông.

Lưu ý khi ăn chè đậu đỏ ngày Thất Tịch

Thực tế, việc ăn chè đậu đỏ “cầu duyên” trong ngày Thất Tịch chỉ là một tập tục dân gian. Chính vì vậy, bạn đừng vì quá tin mà ăn quá nhiều bởi dù tốt cho sức khỏe, ăn quá nhiều chè đậu đỏ vẫn có thể đưa đến một số tác hại như: tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng, ngộ độc, thừa cân, béo phì, tăng đường huyết. Ngoài ra, nước cốt dừa và chè đậu đỏ cũng rất dễ bị ôi, thiu nếu bảo quản không đúng, đặc biệt là trong những ngày thời tiết oi nóng. Vì vậy, nếu dùng không hết, bạn nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh đúng cách, khoảng 1 – 2 ngày là tối đa để tránh ảnh hưởng đến chất lượng.

Nguồn: Blog về Sâm Ngọc Linh và các thực phẩm, sức khỏe