Được làm từ bột gạo mềm mịn, ăn kèm với chả và rau sống, bánh ướt là món ăn mà nhiều người yêu thích. Một trong những thứ không thể thiếu được ví như linh hồn của bánh ướt đó là nước mắm. Một bát nước mắm thơm ngọt, chuẩn vị sẽ giúp làm tăng hương vị, kích thích vị giác người thưởng thức. Cùng Digifood lưu ngay 3 cách làm nước mắm bánh ướt đơn giản, hấp dẫn dưới đây nhé!
1. Cách làm nước mắm ăn bánh ướt kiểu truyền thống
Nước mắm ăn bánh ướt kiểu truyền thống được pha từ những nguyên liệu gồm: nước mắm, chanh, tỏi, ớt. Mắm đậm đà, thơm ngọt, tạo nên vị ngon hoàn hảo cho món bánh ướt.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Nước mắm: 2 thìa
- Chanh: 1 quả
- Nước lọc: 4 thìa
- Đường trắng: 2 – 3 thìa
- Tỏi: 3 – 4 tép
- Ớt tươi: 1 – 2 quả
Cách làm
- Tỏi, ớt rửa sạch. Tỏi băm nhỏ, đập dập. Ớt bỏ cuống, bỏ hạt và băm nhỏ.
- Chanh tươi rửa sạch, bổ đôi, vắt lấy nước cốt, bỏ hạt.
- Cho nước lọc và đường vào bát, khuấy đều cho tan hết.
- Thêm nước mắm và 2 thìa nước cốt chanh vào bát nước đường, tiếp tục khuấy đều cho hòa tan.
- Cho hết phần tỏi, ớt băm vào bát nước mắm, khuấy đến khi nguyên liệu nổi trên bề mặt là hoàn thành.
Thành phẩm
Thành phẩm nước mắm bánh ướt truyền thống vừa miệng với vị ngọt từ đường, chua nhẹ từ chanh, cay nồng từ tỏi ớt trung hòa vị mằn mặn của nước mắm. Ngoài để chấm bánh ướt, bạn có thể dùng nước mắm để chấm thịt luộc, rau luộc cũng rất ngon.
2. Cách làm nước mắm ăn bánh ướt từ giấm
Nếu bạn thích những phần nước chấm có vị chua dịu nhẹ thì giấm trắng chính là lựa chọn hoàn hảo. Các nguyên liệu pha nước chấm rất đơn giản và có sẵn trong căn bếp của bạn, vì thế hãy bắt tay vào pha chế ngay thôi nào!
Chuẩn bị nguyên liệu
- Nước mắm ngon: 5 – 8 thìa tùy số lượng người ăn
- Giấm ăn (giấm trắng): 1 – 2 thìa
- Tỏi: 4 – 5 tép
- Ớt tươi: 2 – 3 quả
- Chanh tươi: 2 quả
- Nước đun sôi để nguội (còn ấm): 4 thìa
- Đường: 3 – 4 thìa
Cách làm
- Ớt rửa sạch, bỏ cuống và hạt sau đó cắt nhỏ và băm nhuyễn. Tỏi bỏ vỏ, đập dập, băm nhỏ tương tự như ớt.
- Chanh rửa sạch, vắt lấy nước cốt và bỏ hạt
- Cho lần lượt giấm ăn, đường, nước mắm, nước đun sôi còn ấm vào chung 1 bát sau đó khuấy đều cho gia vị hòa tan. Lưu ý cân bằng lượng chanh và giấm để nước mắm được chuẩn vị, không bị quá chua hay gắt.
Thành phẩm
So với cách làm nước mắm bánh ướt kiểu truyền thống, công thức từ giấm sẽ có vị chua đậm hơn. Bạn hãy tùy vào khẩu vị gia đình để chọn cho mình loại nước mắm phù hợp nhất nhé!
3. Cách làm nước mắm bánh ướt từ quả dứa (trái thơm)
Nước chấm bánh ướt từ quả dứa cũng là lựa chọn thú vị bạn không nên bỏ qua. Cách làm này sẽ lâu hơn một chút nhưng thành phẩm thì vô cùng hấp dẫn đấy.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Nước mắm nguyên chất loại ngon: 1 thìa canh:
- Dứa: ½ quả
- Tỏi: 3 – 4 tép
- Ớt: 2 – 3 quả
- Dấm ăn: ½ thìa canh
- Đường: 1 thìa canh
- Nước lọc: 1 thìa canh
- Muối: 1 thìa cà phê
- Dầu ăn: ½ thìa canh
Cách làm
- Dứa sau khi mua về thì gọt vỏ, rửa sạch, bỏ phần mặt và cắt thành từng khoanh nhỏ.
- Ớt, tỏi rửa sạch. Ớt bỏ phần cuống và hạt sau đó băm nhuyễn. Tỏi bỏ vỏ, đập dập và băm nhuyễn cùng ớt.
- Đun sôi nước lọc trong một cái nồi nhỏ. Khi nước sôi vừa tới, bạn hạ lửa vừa và cho đường vào khuấy đều tới khi tan hết.
- Đổ phần nước mắm và cho ½ quả dứa cắt khoanh vào đun cùng. Hạ nhỏ lửa đun khoảng 5 – 6 phút tới khi hỗn hợp sôi lại thì tắt bếp.
Lưu ý: Khi nước sôi, bạn cho 1 nhúm nhỏ muối và để làm dịu đồng thời giúp tăng thời gian bảo quản nước chấm.
- Đổ nước chấm ra bát, để nguội. Cho tỏi, ớt băm nhuyễn vào và trộn đều là hoàn thành.
Thành phẩm
Nước mắm bánh ướt có hương thơm dịu nhẹ từ dứa hòa quyện với vị mặn của nước mắm cùng chút ngọt ngào từ đường. Cách làm nước mắm ăn bánh ướt này tuy có cầu kì hơn 2 cách trên tuy nhiên thời gian bảo quản nước mắm cũng sẽ lâu dài hơn. Vì thế, bạn có thể làm sẵn 1 lọ để ăn dần mà không cần mất thời gian pha chế nhiều lần.
Bí quyết làm nước mắm ăn bánh ướt đậm đà và dậy vị hơn
Đối với cách pha nước chấm bánh ướt, khâu chọn nước mắm là một phần quan trọng làm nên hương vị độc đáo của món ăn. Digifood gợi ý bạn 3 mẹo nhỏ để chọn được nước mắm thơm ngon, cũng như cách để phân biệt nước mắm nguyên chất và nước mắm công nghiệp:
- Độ đạm: Độ đạm trong nước mắm nguyên chất thường rất cao (từ 30 – 42 độ) trong khi các loại nước mắm công nghiệp độ đạm sẽ ít hơn. Đây là yếu tố dễ nhận biết nhất, bạn chỉ cần nhìn vào bao bì và thành phần là có thể xác định được.
- Màu sắc: Nước mắm nguyên chất thường có màu nâu cánh gián đậm hơn so với nước mắm công nghiệp. Nếu để lâu trong nhiệt độ phòng, nước mắm sẽ chuyển qua màu sẫm hơn.
- Mùi vị: Vì được làm từ cá biển nên nước mắm nguyên chất thường có mùi thơm đặc trưng, khá “nặng” mà nước mắm công nghiệp không khó được. Vị mắm nguyên chất đậm đà, khi ăn cảm nhận rõ cái mằn mặn nơi đầu lưỡi nhưng hậu vị lại ngọt thanh hấp dẫn.
Hy vọng với 3 cách làm nước mắm bánh ướt nêu trên, bạn sẽ có thêm sự lựa chọn giúp món ăn thêm thơm ngon đúng điệu. Đừng quên theo dõi Blog Digifood để liên tục cập nhật những mẹo vặt gia đình và công thức nấu ăn thú vị nhé!
Xem thêm các công thức pha nước chấm khác:
- Cách pha nước chấm phở cuốn
- Cách pha mắm nêm